Thời gian gần đây, việc
các băng nhóm
tham gia sâu vào các
vụ giải quyết tranh chấp dân
sự, thu hồi nợ, tranh chấp đất diễn ra khá phổ biến
ở
một số địa
phương. Bất lực trước tình trạng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm,
nhiều người dân hiện chỉ còn
biết kêu
cứu, kêu trời. Vì, dù người dân bị hại có trình báo chính quyền, trình báo công
an địa phương, sự manh động của các băng nhóm, các đối tượng vi phạm vẫn
không hề giảm... Có dấu hiệu ngông cuồng, xem thường chính quyền địa
phương?!
Để chấn chỉnh thực trạng trên, ngày 17-6, Quốc hội Việt
Nam đã thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) với 446/458 (92,34%). Đáng chú ý,
dự án luật vừa được thông qua đã bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh
mục những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Tại hội nghị sơ kết công tác công an 6 tháng đầu năm
2020 vừa diễn ra ngày 25/6/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị
lực lượng CAND tăng cường chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản, tổ chức các đợt
cao điểm tấn công, trấn áp mạnh các loại tội phạm theo chuyên đề; Trọng
tâm là tấn công, trấn áp tội phạm có tổ chức, tội phạm xâm hại trẻ em,
tội phạm chống người thi hành công vụ, tội phạm kinh tế, gian lận xuất xứ hàng
hóa Việt Nam, đặc biệt là tội phạm ma túy.
Quốc hội Việt Nam và Thủ tướng Chính Phủ với những chủ
trương, chỉ đạo kịp thời đã thể hiện sự cứng rắn trong xử lý nghiêm các hành vi
phạm tội có dấu hiệu, tính chất tổ chức băng nhóm. Thế nhưng, việc các băng nhóm
tham gia sâu vào các vụ giải quyết tranh chấp dân sự, thu hồi nợ, tranh chấp đất
vẫn xảy ra, có dấu hiệu coi thường pháp luật?
Đơn cử cho thực trạng trên là trường hợp của
gia đình ông Chế Minh Quân ở xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc,
tỉnh Long An. Ngày 30/6/2020, ông Quân đã gửi “đơn cầu cứu khẩn cấp” đến
các cấp chính quyền và đến cơ quan báo chí trình báo về việc một băng nhóm có tính chất manh động,
côn đồ đã tạt nước sơn, đe dọa tính mạng gia đình ông.
Cụ thể, theo đơn cầu cứu của ông Chế Minh Quân cung cấp,
từ đầu tháng 6/2020, gia đình ông thường xuyên bị quấy rối, đe dọa bằng hành vi
tạt sơn, cho người leo rào, đập phá ổ khóa, khiêng đồ đạc ra ngoài của một nhóm
người hung hãn, côn đồ. Ông đã nhiều lần trình báo sự việc cho công an xã nhưng
băng nhóm trên vẫn quấy rối?
Cao điểm là ngày 30/6/2020, vào lúc 14 giờ, có khoảng
40 thanh niên lạ mặt với người cầm đầu tự xưng là “Hải Sầu” (tên thật là Lê Minh Hải, sinh năm 1980, ngụ
xã Nhị Thành, Thủ Thừa- Long An có nhiều tiền án, tiền sự) đã đến đập ổ khóa
xông vào nhà ông Chế Minh Quân đang ở. Nhóm người trên đã khiêng hết đồ đạc của
gia đình ông Quân ra khỏi ngoài, đe dọa, ép buộc tất cả người nhà ông Quân phải
ra khỏi nhà. Sau đó, nhóm người trên đã tự ý thay tất cả ổ khóa cửa cổng và cửa
chính ông Quân để ngăn gia đình ông vào lại nhà.
Theo đơn cầu cứu được ông Quân trình báo, nhà và đất ông
cùng gia đình đang sinh sống đang thuộc diện tranh chấp dân sự giữa ông Quân và
những cá nhân cho ông vay tiền theo hình thức cầm cố quyền sử dụng đất. Vụ việc
đã được ông trình báo lên các cấp chính quyền xem xét hòa giải nhưng không thành.
Ông Chế Minh Quân đã gửi đơn đến Tòa án Nhân dân huyện Cần Giuộc và tòa đã có
giấy xác nhận nhận đơn khởi kiện. Đồng thời, Tòa án nhân dân huyện Cần Giuộc đã
ra quyết định biện pháp khẩn cấp tạm thời cho tài sản tranh chấp trên để xử lý đúng
quy trình, quy định của luật pháp.
Trên cơ sở đơn cầu cứu của ông Chế Minh Quân và xác
minh thông tin tại hiện trường, Phóng viên liên hệ với Thượng tá Nguyễn Văn
Quân - Trưởng Công an huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An để tìm hiểu nguyên nhân của
vụ việc trên. Tuy nhiên, hai lần đến Công an huyện Cần Giuộc, phóng viên vẫn chưa
được thông tin phản hồi từ Công an huyện Cần Giuộc mà chỉ nhận được hồi đáp là
“phải liên hệ về Giám đốc Công an tỉnh Long An, công an huyện không được phép
cung cấp thông tin khi chưa được chỉ đạo”.
Khi chúng tôi đến liên hệ với BGĐ Công an tỉnh lại được yêu cầu có văn bản gửi
đến Giám đốc Công an tỉnh để được xem xét, phản hồi, cung cấp thông tin.
Trong kỳ báo tiếp theo, chúng tôi rất mong nhận được hồi đáp
sớm Công an tỉnh Long An để giải đáp, thông tin cụ thể đến độc giả: Nguyên nhân
vì sao Công an xã Phước Vĩnh Tây, Công an huyện Cần Giuộc dù đã nhận được trình
báo của người dân vẫn để xảy ra vụ việc băng nhóm “cưỡng chế nhà dân”?!.
Song, vấn đề đáng báo động từ trường hợp đơn cử của ông
Chế Minh Quân chính là: Việc các băng nhóm tham gia sâu vào những vụ tranh chấp
dân sự, đòi nợ thuê, tranh chấp quyền lợi kinh tế đang ở ngưỡng báo động
đỏ. Để bảo vệ bình yên cuộc sống cho nhân dân, tạo môi trường an toàn, an
ninh cho việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng
Chính Phủ về trấn áp các loại tội phạm có tổ chức, cấm dịch vụ đòi nợ thuê phải
được thực hiện nghiêm. Hơn bao giờ hết khi có tranh chấp dân sự, tranh chấp đất
đai, tranh chấp kinh tế xảy ra…, người dân rất cần sự vào cuộc kịp thời hơn, trách
nhiệm hơn của cơ quan chức năng, chính quyền các cấp, của lực lượng chức năng
theo đúng quy định pháp luật, theo đúng chức trách, thẩm quyền được giao.
Căn cứ vào Điều 136 Luật đất đai, tranh chấp dân sự và thẩm quyền giải
quyết thuộc về Tòa án hoặc UBND cấp huyện. UBND cấp xã, phường muốn cưỡng chế
tháo dỡ công trình đó thì phải căn cứ vào hành vi vi phạm… Việc cưỡng chế hành
chính là một biện pháp hành chính và phải thực hiện dựa trên căn cứ và thủ tục
theo quy định pháp luật chứ không thể tùy tiện thực hiện được.
Nhận xét
Đăng nhận xét