Cùng với tác phẩm “Đạo đức cách mạng” viết năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có nhiều bài viết khác về đạo đức cách mạng, tạo thành một hệ thống tư tưởng thống nhất cụ thể và rõ ràng, được minh chứng qua chính tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đạo đức là cái gốc của người cách mạng
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều kiện tiên quyết để người cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ là phải có đạo đức cách mạng: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang…” (1)
Người so sánh đạo đức cách mạng cũng như gốc của cây, nguồn của sông: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân" (2)
Đạo đức là nền tảng tinh thần, giúp cho cán bộ, đảng viên luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng: “Có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, không rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình”; “Khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ; lo hoàn thành cho tốt, chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa” (3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn chứng, “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập” (4).
Sở dĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng là bởi vì nó liên quan trực tiếp tới khả năng và quyết định hiệu quả "gánh vác" công việc của Đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền lãnh đạo toàn xã hội, lãnh đạo nhà nước, nếu cán bộ, đảng viên không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng thì mặt trái của quyền lực có thể làm tha hóa bản chất con người. Vì thế, Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: muốn làm cách mạng, trước hết con người phải có cái tâm trong sáng, có đạo đức cao đẹp đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và đối với dân tộc, luôn phải kiên quyết đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người khẳng định: “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng” (5). Đây không chỉ là yêu cầu về phẩm chất, năng lực mà còn là vấn đề có tính nguyên tắc trong chỉ đạo nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn biết Đảng đó như thế nào hãy nhìn vào đội ngũ đảng viên. Đảng viên tốt, thì Đảng mạnh. Người khẳng định, “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Những người mà: Giàu sang không thể quyến rũ/Nghèo khó không thể chuyển lay/Uy lực không thể khuất phục” (6).
Mặc dù coi đạo đức là gốc, chiếm vị trí hàng đầu trong thang giá trị nhân cách người cách mạng nhưng Hồ Chí Minh luôn đặt “đạo đức” trong mối quan hệ biện chứng với tài năng. Bởi vì, chỉ khi kết hợp cả phẩm chất và năng lực, đức và tài, cán bộ, đảng viên mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa tài và đức Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người" (7).
Xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vai trò của đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự rèn luyện để có phẩm chất đạo đức cao quý của người cộng sản: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng nhân đạo. Suốt đời, Người đã không ngừng tự tu dưỡng, tự rèn luyện mình về đạo đức, trở thành hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đày tớ trung thành của nhân dân”, chẳng những có sức lôi cuốn, cảm hóa mãnh liệt đối với toàn thể dân tộc, mà còn ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Tùy theo từng thời kỳ, Người đã đề ra những yêu cầu đạo đức sát hợp để mọi người phấn đấu rèn luyện, góp phần hoàn thành nhiệm vụ, mang lại những thắng lợi to lớn cho cách mạng.
Nếu quyền lực là sức mạnh để giữ vững những thành quả cách mạng, để tổ chức và xây dựng chế độ xã hội mới, để phát triển kinh tế và văn hóa, để biến đất nước ta từ nghèo nàn, lạc hậu trở thành giàu mạnh, văn minh, thì quyền lực lại có mặt trái của nó là có thể làm tha hóa con người nắm quyền lực, đưa đến những tổn thất lớn cho cách mạng. Nhận thức rõ điều này, những vấn đề đạo đức mà Người đặt ra với cán bộ, đảng viên chính là nhằm ngăn chặn, khắc phục những hiện tượng tha hóa có thể hoặc đã xảy ra, để chống lại những khuynh hướng sai lệch về quyền lực như: quan liêu, cậy thế, cậy quyền, lợi dụng quyền lực, tranh giành quyền lực, tham quyền, cố vị...
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chứa đựng những hạt nhân hợp lý, chắt lọc từ tinh hoa giá trị đạo đức nhân loại, phù hợp với những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của Việt Nam, hướng tới những giá trị mang tầm thời đại. Vì vậy, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nhiệm vụ cấp bách, trước mắt, cũng như lâu dài trong tương lai của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, như Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng...”(9)./.
(1): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 9, tr. 283.
(2): Sđd, tập 5, tr. 252,253.
(3), (4): Sđd, tập 9, tr. 284.
(5): Sđd, tập 7, tr. 480.
(6): Sđd, tập 6, tr. 184.
(7): Sđd, tập 9, tr. 172
(8): Sđd, tập 12, tr. 498.
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 47.
Nhận xét
Đăng nhận xét